Tòng âm dẫn dương, tòng dương dẫn âm và ứng dụng của du mộ huyệt

Trong khái niệm về du huyệt ở lưng và mộ huyệt ở ngực bụng, một số người làm về châm cứu vẫn có những nhận thức chưa thật sự thấu đáo. Ví dụ như huyệt Trung phủ của kinh Phế cũng là huyệt mộ của Phế, và từ đó họ cho rằng Trung phủ là huyệt mộ của kinh Phế – Điều này không chính xác, vì do chúng ta hiểu chưa thật sự tường tận khái niệm về huyệt du, mộ.

Các huyệt du ở lưng là nơi mà khí của Tạng phủ nhập vào hay xuất ra ở vùng lưng, thắt lưng. Các huyệt mộ là nơi khí của Tạng phủ nhập vào hay xuất ra ở vùng ngực bụng (Ở đây nói khí đó là khí của Tạng phủ chứ không phải là khí của kinh lạc) như vậy cũng có thể nói du, mộ huyệt là nơi liên thông trực tiếp giữa các tạng phủ. Như ví dụ ở trên đã đề cập đến huyệt Trung phủ, đó là huyệt mộ của tạng phế, chứ không phải là huyệt mộ của kinh Phế. Huyệt Trung phủ là nơi mà tạng phế trực tiếp liên hệ chứ không phải là thông qua kinh Phế liên hệ “Kinh phế khởi đầu từ trung tiêu, đi xuống liên lạc với đại tràng, vòng qua vị khẩu, lên qua hoành cách mô, thuộc phế, từ phế đi ra dưới nách…” mà khí từ tạng phế có 1 nhánh liên thông thẳng xuất nhập vào huyệt Trung phủ. Ngoại trừ huyệt Trung phủ nói trên, tất cả các huyệt du, mộ khác đều không thuộc về các kinh mạch mà nó mang tên của các tạng phủ, như Trung quản là huyệt mộ của Vị, nhưng không nằm trên kinh Vị mà nằm trên mạch Nhâm, nên không thể nói Trung quản là huyệt mộ của kinh vị. Huyệt Quan nguyên là huyệt mộ của Tiểu trường cũng không nằm trên kinh tiểu trường mà nằm trên mạch Nhâm nên không thể gọi quan nguyên là huyệt mộ của kinh tiểu trường; Tương tự Thiên khu là huyệt mộ của Đại trường lại nằm trên kính Vị, nên cũng không thể gọi Thiên khu là huyệt mộ của kinh đại tràng… Còn các huyệt du phía sau lưng thì đều nằm trên kinh Bàng quang, nên không thể gọi chúng là các huyệt du của kinh Bàng quang được, mà chúng là huyệt du của các tạng phủ mà chúng được mang tên. Về các huyệt du, trong “Linh khu cứu châm thập nhị nguyên thiên 1” có viết “Ngũ tạng ngũ du, ngũ ngũ nhị thập ngũ du; lục phủ lục du, lục lục tam thập lục du” như vậy du mộ huyệt là nơi mà khí của Tạng phủ trực tiếp xuất nhập, do vậy khi Tạng phủ có bệnh thì thường ở du mộ huyệt sẽ có các biểu hiện phản ứng (đau) tương ứng. Do du mộ huyệt là nơi mà khí của Tạng phủ xuất nhập, do đó khi Tạng phủ có bệnh thì thầy thuốc châm cứu sẽ dùng các du mộ huyệt tương ứng để châm cứu điều trị bệnh. Ví dụ như Phủ Vị có bệnh thì dùng Trung quản là huyệt mộ của Vị phủ để điều trị; Tạng Phế có bệnh thì dùng Trung phủ là huyệt mộ của Phế và Phế du là huyệt du của Phế để điều trị. Du và mộ huyệt có thể dùng đơn độc, cũng có thể phối hợp để dùng trong điều trị, lúc đó pháp điều trị sẽ là Du mộ phối huyệt pháp. Trong “Tố vấn âm dương ứng tượng đại luận viết “Tòng âm dẫn dương, tòng dương dẫn âm”. Trong Nạn kinh nạn thứ 67 viết “Âm bệnh hành dương, dương bệnh hành âm” Ngũ tạng thuộc âm, lục phủ thuộc dương, ngực bụng thuộc âm, lưng thắt lưng thuộc dương. Âm bệnh hành dương đó là chỉ khi ngũ tạng có bệnh thì các huyệt du ở lưng sẽ có phản ứng, dương bệnh hành âm đó là nói khi lục phủ có bệnh thì sẽ có các biểu hiện ở các huyệt mộ phía ngực bụng. Do vậy trên thực hành lâm sàng khi điều trị các chứng bệnh của ngũ tạng thì các thầy thuốc sẽ dùng các huyệt du phía sau lưng đó được gọi là “tòng dương dẫn âm” hay “âm bệnh trị dương”. Ngược lại khi điều trị bệnh của lục phủ thì sẽ dùng các huyệt mộ phía ngực bụng để điều trị, đó được gọi là “Tòng âm dẫn dương” hay “Dương bệnh trị âm”.

ThS.BS. Đào Hữu Minh – Trưởng khoa Khám bệnh