Phục hồi chức năng bệnh nhân Guilla Barre

Hội chứng Guillan Barre là một rối loạn hiếm gặp, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tự tấn công các dây thần kinh. Biểu hiện của bệnh là yếu cơ tiến triển. Bệnh nặng khi có liệt cơ nặng nề, liệt cơ hô hấp và rối loạn thần kinh tự chủ.

Nguyên nhân gây bệnh thường chưa rõ ràng. Bệnh có thể xuất hiện sau một đợt nhiễm khuẩn, nhiễm virus, hay sau phẫu thuật hoặc tiêm chủng.

Triệu chứng lâm sàng:

Trước 1-3 tuần có thể có các biểu hiện như mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, đau mỏi cơ bắp.

Ở giai đoạn khởi phát, bệnh nhân có thể cảm thấy đau mỏi cơ tăng lên, tê bì dị cảm tay chân.

Trong giai đoạn toàn phát, bệnh nhân sẽ có biểu hiện:

  • Yếu cơ tứ chi, yếu cơ mặt, cơ vận nhãn, thậm chí liệt tay chân, hầu họng, liệt cơ hô hấp, bệnh nhân không thể vận động, không tự thở được mà cần sự hỗ trợ từ máy thở, không ăn được đường miệng phải đặt sond,…
  • Rối loạn thần kinh tự chủ: nhịp tim nhanh, nhịp chậm, huyết áp thay đổi, ra nhiều mồ hôi
  • Ngoài ra còn có một số các triệu chứng ít gặp như liệt dây thanh âm, run giật cơ,…

Cận lâm sàng

  • Điện cơ: tổn thương Myelin và sợi trục, giảm hoặc mất dẫn truyền thần kinh
  • Chọc dịch não tuỷ: protein tăng, tế bào < 10mm3
  • Các xét nghiệm miễn dịch

Điều trị:

  • Các phương pháp điều trị đặc hiệu như Corticoid,  lọc huyết tương, liệu pháp truyền Globulin miễn dịch.
  • Điều trị hỗ trợ: đảm bảo hô hấp, tuần hoàn, dự phòng thuyên tắc tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi, đảm bảo dinh dưỡng nâng cao thể trạng,…
  • Điều trị phục hồi chức năng
  • Khoảng 70% bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, tỷ lệ hồi phục 48-90% trong năm đầu, 60-88% trong năm thứ hai.

Khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã tiếp nhận và điều trị phục hồi rất nhiều bệnh nhân Guillan Barre nặng, sau khi đã lọc máu và điều trị giai đoạn cấp. Đa số các bệnh nhân vào khoa trong tình trạng còn thở máy qua canuyn mở khí quản, liệt cơ tứ chi, tê bì dị cảm tay chân, ăn qua sond dạ dày, tiểu qua sond tiểu.

Bệnh nhân sẽ được tiến hành cai máy thở, tập cơ hô hấp, rút canuyn mở khí quản, tập ăn đường miệng, phục hồi cơ lực tay chân bằng các thuốc tăng cơ lực, tăng dẫn truyền thần kinh, kết hợp với các liệu pháp châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, tập vận động.

Bệnh nhân đồng thời sẽ được kiểm soát toàn bộ các yếu tố nguy cơ, các biến chứng do Hội chưng Guillan Bare gây ra như viêm phổi do hít sặc, xẹp phổi, viêm đường tiết niệu, loét tì đè, …

Bệnh nhân Guillan barre tại khoa được tập nút và rút canuyn mở khí quản

Bệnh nhân được phối hợp điện châm và tập vận động

Việc kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị phục hồi bệnh nhân Guillan Barre thực sự đem lại hiệu quả vượt trội, giúp rút ngắn thời gian điều trị, bệnh nhân nhanh chóng trở về với cuộc sống cũng như sinh hoạt hàng ngày.

Khoa Hồi sức cấp cứu, tầng 3 toà nhà 6 tầng, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

ĐT liên hệ: 02439438814

BSCKII. Lê Văn Sĩ – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu