Ngoại cảm lục dâm và chứng đau

Đau là một triệu chứng phổ biến của hầu hết mọi bệnh nhân; Bất kể do ngoại cảm lục dâm, hay là bệnh tại tạng phủ, hoặc do ăn uống quá độ, chấn thương… ở mỗi thời kỳ khác nhau đều có thể gây ra chứng đau.

Lục dâm: Gồm có phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa là sáu loại khí biến hóa trong giới tự nhiên gọi là lục khí; đó là điều kiện sinh trưởng của vạn vật.

Lục khí trong quá trình biến hóa thất thường và nhân lúc chính khí của cơ thể không đầy đủ; sức đề kháng giảm sút, thì lục khí sẽ trở thành nhân tố gây bệnh và được gọi là lục dâm “tà khí”. Lục dâm có thể đơn độc gây bệnh, cũng có thể kết hợp với nhau để gây bệnh.

I. Tính chất và đặc điểm dẫn bệnh đau của phong tà

  1. Phong thuộc dương tà là chủ khí của mùa xuân, nhưng mùa nào cũng có; phong có tính khai tiết, dễ nhập vào các phần dương.

Phong tà thích động có hướng đi lên, ra ngoài, thăng phát hay xâm phạm vào phần biểu, phần trên, phần kinh dương của cơ thể.

Phong tà và chính khí đều có thể làm cho lỗ chân lông mở rộng từ đó xuất hiện các triệu chứng đau đầu, ra mồ hôi, sợ gió hoặc đau vai lưng, đau đầu mình.

  1. Phong tà có tính thiện hành và hay biến đổi: Khi phong tà gây bệnh thì chứng đau hay di chuyển không cố định.
  2. Phong là nguyên nhân của trăm bệnh: Phong là chủ khí của mùa xuân, nhưng trong một năm bốn mùa thì đều có; Phong hay cùng hàn, thấp, nhiệt, tà tương kiêm dẫn bệnh.

Ví dụ:

Phong kết hợp với hàn: Bệnh nhân sẽ có các biểu hiện đầu gáy cứng đau, đau vùng vành tai, đau khớp, sợ lạnh, phát sốt, không ra mồ hôi, nghẹt mũi, tắc mũi, mạch phù khẩn, rêu lưỡi trắng mỏng.

Phong nhiệt: Bệnh hay phát ở thượng tiêu, thường có các biểu hiện đầu trướng đau, họng sưng đỏ, sốt cao nhưng không sợ lạnh, ít ra mồ hôi, sợ gió; hoặc mặt hồng, đờm vàng, đau ngực.

Phong kết hợp với thấp: Các biểu hiện đầu đau nặng, xương cốt nhức mỏi, đau có tính chất dịch chuyển, ít cố định, bụng đau, đại tiện phân nát.

II. Tính chất dẫn bệnh đau của hàn tà

  1. Hàn tà thuộc chủ khí của mùa đông: Mùa đông tích hàn giáng ôn, có thể làm cơ thể bị lạnh mà gây ra bệnh. Mùa hè mà người ăn nhiều đồ lạnh, ở vùng cao, khí hậu lạnh lâu ngày là một trong những nguyên nhân để hàn tà xâm nhập.
  2. Hàn tà là âm tà, dễ làm tổn thương dương khí, làm cho tổ chức của cơ thể mất đi tính ôn ấm mà gây đau (âm thịnh thì hàn); ngoại hàn xâm phạm cơ biểu; vệ dương bị cách ly không phát huy được tính ôn ấm khí hóa từ đó xuất hiện các triệu chứng sợ lạnh, đau người. Nếu cơ thể bẩm tố tiên thiên yếu, dương khí hư thì ngoại hàn dễ xâm nhập vào lý làm tổn thương tạng phủ (dương khí của tạng phủ) sẽ tạo thành “trúng hàn”.

Nếu hàn tà nhập vào tỳ vị, tỳ dương bị tổn thương sẽ dẫn đến các triệu chứng vùng bụng đau lạnh, nôn, ỉa chảy, khi được chườm nóng thì dễ chịu.

Nếu hàn tà trực tiếp phạm vào thiếu âm thì người bệnh có các cảm giác: Sợ lạnh, bụng dưới đau chướng, ỉa chảy, chân tay quyết lạnh, tinh thần mệt mỏi, mạch vi tế. Nếu hàn tà càng nhiều thì chứng đau càng nặng.

Hàn tà chính là nguyên nhân đầu tiên của lục dâm dẫn đến chứng đau.

  1. Hàn có tính ninh trệ: Biểu hiện đau của hàn có tính chất kịch liệt; đau cố định không dịch chuyển; có tính bộc phát. Bình thường cơ thể dựa vào sự làm ấm của dương khí mà vì thế khí huyết, tân dịch của toàn thân được vận hành không ngưng nghỉ. Nếu âm tà thịnh thì dương khí sẽ bị hư tổn từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự vận hành của khí huyết; làm khí huyết ứ trệ không thông và gây đau.
  2. Hàn tà có tính thu dẫn khi gây đau thì tính chất là nhanh và cứng.

Trong tự nhiên hàn có thể làm nước đóng băng, khi hàn xâm nhập vào cơ thể làm cho khí cơ trong cơ thể bị thu liễm, kinh lạc, cân mạch, cơ nhục bị co lại dẫn đến chứng đau.

Ngoại hàn xâm nhập vào cơ biểu, vệ dương bị uất làm cho khí huyết ngưng trệ, huyết mạch cục bộ bị co cứng, kinh mạch ở các khớp cũng bị co lại dẫn đến bệnh nhân sẽ có các triệu chứng: đầu, thân, các khớp đau nhức vận động khó khăn.

Phong và hàn hay tương kiêm xâm nhập vào cơ thể, nếu cùng với thấp tà hiệp bệnh thì chứng đau sẽ có cảm giác nặng nề, bệnh lâu ngày không khỏi.

(tiếp kỳ sau…)

ThS.BS. Đào Hữu Minh – Trưởng khoa Khám bệnh