Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030

Ngày 04/7/2025, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trong cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chủ trì Hội nghị.

Dự tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, lãnh đạo các bộ, ngành, các bệnh viện, các hội, trường đại học, doanh nghiệp trong lĩnh vực y dược cổ truyền.

PGS.TS. Vũ Nam – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền trung đã tham dự Hội nghị.

Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ: Trong dòng chảy bền vững của nền y học dân tộc, y dược cổ truyền luôn giữ vị trí đặc biệt, vừa là di sản tinh thần, vừa là thành tựu y học đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử.

Sau 5 năm triển khai Chương trình, mạng lưới y dược cổ truyền được củng cố và phát triển đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.

Đến nay, cả nước có 66 bệnh viện y dược cổ truyền công lập và 10 bệnh viện y học cổ truyền tư nhân, tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Tỷ lệ giường bệnh y học cổ truyền đạt 16% trên tổng số giường bệnh chung, tăng 2,7% so với 5 năm trước.

Trong giai đoạn 2020–2025, đã có 30 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia về y dược cổ truyền được phê duyệt và triển khai. Đáng chú ý, lĩnh vực phát triển dược liệu đã có bước đột phá: Việt Nam hiện ghi nhận hơn 5.100 loài thực vật, nấm, hàng trăm loài động vật, khoáng vật và tảo biển có công dụng làm thuốc. Đã có 25 tỉnh xây dựng được quy hoạch vùng trồng cây thuốc, các đơn vị và cơ sở thu mua dược liệu trong nước tăng, cơ sở nuôi trồng dược liệu phát triển mạnh mẽ.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan công tác phát triển y dược cổ truyền trong 5 năm qua vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có. Một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và đề án quan trọng chưa hoàn thành như kỳ vọng.

Nhận thức chung về vai trò, vị thế của y dược cổ truyền còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực y dược cổ truyền – cả về ngân sách, nhân lực và cơ sở vật chất – còn khiêm tốn. Cơ chế chính sách chưa theo kịp với sự phát triển của y học cổ truyền, tính khả thi chưa cao. Đầu tư nguồn lực chưa tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của y học cổ truyền…

Cần có quy định về đào tạo lương y, lương dược

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Vũ Nam, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã bày tỏ, quan điểm kết hợp hai nền Y học cổ truyền và Y học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và điều trị, dự phòng các bệnh không lây nhiễm là hết sức đúng đắn và cần thiết.

PGS Vũ Nam khuyến cáo vấn đề về một số tiêu chuẩn đánh giá chưa đồng nhất giữa y học cổ truyền và y học hiện đại; nhiều vị thuốc, nam dược còn gặp nhiều khó khăn về vấn đề về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng,…

TTND.PGS.TS. Vũ Nam – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh vai trò của y dược cổ truyền, một bộ phận quan trọng của nền y học Việt Nam. Y dược cổ truyền đã đi cùng lịch sử dân tộc với tứ chẩn (vọng, văn, vấn, thiết – 4 phương pháp khám bệnh cơ bản trong y học cổ truyền).

Hệ thống pháp luật hiện hành bao giờ cũng có một mảng về y dược học, tuy nhiên, mức độ ở từng thời kỳ có sự khác nhau. Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 1893 về lĩnh vực này cho thấy chúng ta đã và đang quan tâm đến y dược cổ truyền.

Theo Phó Thủ tướng, Chương trình phát triển y dược cổ truyền được triển khai nghiêm túc, với 4 kết quả tích cực:

– Mạng lưới khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền được đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng.

– Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn; tỷ lệ người bệnh được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bằng y học cổ truyền ngày càng tăng; chất lượng dược liệu, thuốc y học cổ truyền được nâng lên.

– Xã hội hóa trong y học cổ truyền ngày càng phát triển; công tác đào tạo cán bộ y học cổ truyền và nghiên cứu khoa học được chú trọng. Giai đoạn 2017 – 2018 có 850 sinh viên tốt nghiệp, trong khi đó, giai đoạn 2022 – 2024 là 1.350 sinh viên.

– Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền được quan tâm hơn.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều hạn chế. Hầu hết các chỉ tiêu đề ra trong Quyết định 1893 chưa đạt được.

TTND.PGS.TS. Vũ Nam – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương chụp ảnh lưu niệm cùng đồng chí Đào Hồng Lan – Bộ trưởng Bộ Y tế và một số lãnh đạo các bệnh viện tại Hội nghị

Nguồn: Báo Sức khỏe đời sống