Cùng với khí, huyết là thành phần trọng yếu cấu thành cơ thể con người; huyết được tạo thành từ tinh hoa vật chất của đồ ăn thức uống thông qua sự vận hóa của tỳ vị. Huyết còn bao hàm một ý nghĩa nữa đó là vật chất dinh dưỡng cần thiết của cơ thể. Huyết được vận hành, lưu chuyển trong toàn thân, trong kinh mạch là nhờ sự thúc đẩy của khí, từ đó cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể và duy trì các hoạt động bình thường của các cơ quan. Ví như: Sự hô hấp của phế, sự thu nạp thức ăn của vị, sự vận hóa của tỳ, sự tư duy ghi nhớ của não, sự tiêu hóa hấp thu và bài tiết của tiểu tràng và đại tràng, sự tàng huyết của can, sự co duỗi của cơ bắp, sự vận động của khớp… đều nhờ vào sự nuôi dưỡng của huyết dịch. Huyết dịch trong cơ thể mà đầy đủ, sung mãn thì con ngừoi ta sẽ môi đổ, da thắm, móng tay móng chân sẽ hồng nhuận, tư duy hành động sẽ minh mẫn và chuẩn xác. Nếu huyết dịch vì một lý do nào đó mà sinh thành không đầy đủ hoặc mất huyết quá nhiều sẽ dẫn tới tình trạng thiểu huyết mà y học cổ truyền gọi là chứng huyết hư. Biểu hiện lâm sàng của chứng huyết hư có các triệu chứng như: Đầu choáng, mắt hoa, mắt nhìn mờ, thất miên, đa mộng, tâm hoang, mất sự tập trung chú ý của não, tinh thần mệt mỏi, cơ lực mềm yếu, chất lưỡi nhợt, môi nhợt, sắc mặt trắng bệch. Nếu huyết dịch hư nặng thì còn có các hiện tượng như: Cận thị, mộng du, trí nhớ giảm sút, cơ nhục teo nhẽo vô lực, nhịp tim không đều, mạch kết đại hoặc vi nhược vô lực, phụ nữ kinh nguyệt không đều có thể bế kinh hoặc thống kinh, khi làm xét nghiệm thì có thể thấy hiện tượng thiếu máu nhược sắc.
Đối với chứng huyết hư trong điều trị bằng YHCT sẽ dùng phép dưỡng huyết, bổ huyết. Trong đó phương thuốc được dùng chủ yếu là “Tứ vật thang”, bao gồm bốn vị thuốc đó là: Đương quy, thục địa, xuyên khung, thược dược. Thế còn trong việc điều trị chứng bệnh này bằng châm cứu thì có phương huyệt nào tương ứng với “Tứ vật thang” hay không. Các huyệt thường được dùng đó là: Huyết hải, đản trung, cao hoang du và cách du. Ngoài ra một số huyệt cũng thường được sử dụng trong phép dưỡng huyết, bổ huyết đó là: Tâm du, can du, tỳ du, tuyệt cốt, tam âm giao, túc tam lý… trong đó huyết hải là huyệt trên kinh tỳ – mang tên là bể của huyết; là nơi mà huyết dịch tập trung lại như biển. Đản trung bản chất nó là huyệt trọng yếu trong điều trị bổ khí, nhưng theo lý luận của YHCT có một phép điều trị đó là “Bổ khí để sinh huyết” do vậy đản trung cũng là huyệt được dùng không những trong điều trị bổ khí mà cả trong điều trị dưỡng huyết, bổ huyết. Cách du còn gọi là “Tâm hạ can thượng” là huyệt hội của huyết, do vậy thường được sử dụng trong các chứng bệnh liên quan đến huyết dịch. Cao hoang du và tâm bào có sự liên quan mật thiết với nhau, mà tâm bào và tâm có quan hệ biểu lý – Tâm thì chủ về huyết mạch do vậy cao hoang du là huyệt trọng yếu trong điều trị về huyết. Huyệt tuyệt cốt là huyệt hội của tủy; mà cốt tủy là nơi sinh ra huyết. Trên thực nghiệm lâm sàng cho thấy khi châm cứu vào huyệt tuyệt cốt thì có tác dụng thúc đẩy sự sản sinh hồng cầu. Các huyệt: Tâm du, can du, tỳ du là du huyệt của tâm, can, tỳ; Theo ly luận của YHCT thì tâm chủ huyết, can tàng huyết, tỳ thống nhiếp huyết – tâm , can, tỳ ba tạng mà trong sự hình thành, lưu giữ và tồn tại của huyết dịch có liên quan mật thiết; Do vậy khi điều trị các chứng bệnh về huyết dịch thì ba huyệt kể trên thường được các thầy thuốc sử dụng. Huyệt tam âm giao là huyệt giao hội của ba kinh can, tỳ, thận; Dùng huyệt này tức là thông qua việc dưỡng can, bổ tỳ, ích thận mà thúc đẩy quá trình hình thành và tái sinh của huyết dịch. Huyệt túc tam lý thuộc kinh dương minh vị, kinh này đa khí đa huyết; Do vậy túc tam lý là huyệt quan trọng trong việc bổ khí, huyết của toàn thân.
Trên thực hành lâm sàng các huyệt kể trên được ứng dụng rộng rãi trong việc điều trị các chứng huyết hư của lục phủ ngũ tạng cũng như toàn thân.
Phương pháp sử dụng các huyệt trên trong châm cứu: Trong điều trị dưỡng huyết, bổ huyết bằng phương pháp châm cứu chúng ta có thể áp dụng cả phương pháp châm và phương pháp cứu. Nếu dùng phép châm thì ngày châm một lần, châm bổ. Nếu dùng phép cứu có thể ngày cứu từ một đến 2 lần, mỗi huyệt cứu từ ba đến năm lượt.
ThS. Đào Hữu Minh – Trưởng khoa Khám bệnh