Dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường

Dinh Dưỡng Cho Người Bệnh Tiểu Đường: Hiểu Đúng, Ăn Đúng

Tiểu đường (đái tháo đường) là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sử dụng và điều hòa đường huyết của cơ thể. Trong đó, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát đường huyết, giảm nguy cơ biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

ThS. Đặng Thị Xuân Hồng hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường

Nguyên Tắc Dinh Dưỡng Cơ Bản

– Kiểm soát tổng năng lượng: Lượng calo tiêu thụ hàng ngày cần phù hợp với độ tuổi , giới tính và mức độ hoạt động thể chất và thể trạng bệnh nhân( gầy/ béo)

Ăn đúng giờ, chia nhỏ bữa ăn: 3 bữa chính và 2–3 bữa phụ giúp ổn định đường huyết, tránh hạ hoặc tăng đột ngột.

Đa dạng thực phẩm: Đảm bảo cung cấp đủ các nhóm chất dinh dưỡng ( carbohydrate, Protein, Lipid, vitamin, khoáng chất).

Hạn chế đường đơn, tinh bột nhanh hấp thu: Tránh bánh kẹo, nước ngọt, gạo trắng, bánh mì trắng…

Tăng cường chất xơ: Rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, đậu các loại giúp giảm hấp thu đường sau ăn.

Chọn đạm nạc và lành mạnh: Ưu tiên cá, thịt nạc, trứng, đậu hũ thay cho thịt mỡ, nội tạng.

Chất béo tốt thay vì béo bão hòa: Dầu oliu, dầu mè, bơ hạt thay cho mỡ động vật, bơ thực vật.

Giảm muối, tránh đồ ăn mặn: Nhằm hạn chế tăng huyết áp – biến chứng thường gặp của tiểu đường.

Những Nhóm Thực Phẩm Nên ăn Và Hạn chế ăn

Nên ăn:

– Rau xanh, củ quả ít ngọt

– Cá, thịt nạc, đậu hũ

– Gạo lứt, yến mạch, khoai lang

– Trái cây ít đường: táo, bưởi, ổi

– Dầu thực vật, bơ hạt, hạt điều

Hạn chế ăn:

– Trái cây quá ngọt: sầu riêng, mít…

– Thịt mỡ, nội tạng, da gà…

– Cơm trắng, bún, phở trắng…

– Nước ngọt, bánh kẹo, mật ong…

– Mỡ heo, bơ thực vật công nghiệp

Gợi Ý Thực Đơn Trong Ngày:

Bữa sáng: Cháo yến mạch + trứng luộc + 1 quả ổi nhỏ

Bữa phụ sáng: 1 ly sữa không đường hoặc đậu nành

Bữa trưa: Cơm gạo lứt + cá kho + rau luộc + canh cải xanh

Bữa phụ chiều: 1 trái táo( miếng thanh long) hoặc vài hạt hạnh nhân

Bữa tối: Cháo đậu xanh + thịt nạc + rau xào ít dầu

Trước khi ngủ: 1 ly sữa đậu nành (nếu cần)

Những Điều Cần Lưu Ý:

– Theo dõi đường huyết thường xuyên để điều chỉnh khẩu phần phù hợp.

– Tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày.

– Không tự ý nhịn ăn hay cắt hoàn toàn tinh bột – điều này dễ gây hạ đường huyết nguy hiểm.

– Nếu đang dùng insulin hoặc thuốc hạ đường huyết, cần điều chỉnh bữa ăn phù hợp để tránh tác dụng phụ.

Kết Luận:

Chế độ ăn uống không phải là “kiêng khem” cực đoan, mà là khoa học và cân đối để hỗ trợ người tiểu đường sống khỏe mạnh, phòng ngừa biến chứng. Việc hợp tác tốt giữa dinh dưỡng – thuốc – vận động chính là chìa khóa vàng trong quản lý bệnh tiểu đường hiệu quả.

ThS. Vũ Thị Huế – Trưởng Khoa Dinh dưỡng