Trong nhiều năm qua, tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp đã trở thành hiểm họa lớn đối với toàn xã hội, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tội phạm ma túy gia tăng nhanh chóng và ngày càng trẻ hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức, sức khỏe, lối sống của người dân cũng như kinh tế, an ninh, chính trị của đất nước. Trước thực trạng này, việc đẩy mạnh công tác phòng chống ma túy là nhiệm vụ cấp thiết và cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân về tác hại của ma túy cũng như lan tỏa rộng rãi phong trào phòng chống tệ nạn trong xã hội, Bộ Y tế đã phát động “Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2025” với chủ đề “Chung một quyết tâm – Vì một cộng đồng không ma túy”.
1. Ma túy là gì?
Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa ma túy là “Mọi thực thể hóa học hoặc là những thực thể hỗn hợp khác với tất cả những cái được đòi hỏi, để duy trì một sức khỏe bình thường, việc sử dụng những cái đó sẽ làm biến đổi chức năng sinh học và có thể cả cấu trúc của vật”. Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống ma tuý số 73/2021/QH14 đưa ra khái niệm về ma túy là “Chất ma túy là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành”. Như vậy, ma túy được hiểu đơn giản là các chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, khi được đưa vào cơ thể con người sẽ làm thay đổi trạng thái ý thức và tâm sinh lý của người đó. Lạm dụng ma túy trong thời gian dài sẽ khiến con người bị chi phối và lệ thuộc, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng và ảnh hưởng đến an ninh trật tự của cộng đồng.
2. Các loại ma túy thường gặp
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều loại ma túy, chất gây nghiện có nguồn gốc tự nhiên, tổng hợp hoặc bán tổng hợp. Một số loại ma túy, chất gây nghiện phổ biến có thể kể đến như: cần sa, cỏ Mỹ, quả thuốc phiện, heroin, cocain, ketamin, bóng cười…và nhiều dạng ma túy ở thể lỏng và thể rắn khác. Các chất này thường được ngụy trang với hình thức sản phẩm bắt mắt, màu sắc đa dạng, giá thành thấp, dễ dàng cất giấu, vận chuyển và thuận tiện khi sử dụng, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác phát hiện và kiểm soát.
3. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiện ma túy
Tình trạng nghiện ma túy có xu hướng gia tăng nhanh chóng và ngày càng trẻ hóa chủ yếu do người sử dụng thiếu hiểu biết về tác hại của nó đối với bản thân và cộng đồng. Một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ có lối sống buông thả, đua đòi, thích hưởng thụ nên dễ bị kích động và sa ngã. Việc không có sự quan tâm và sát sao của gia đình, nhà trường và xã hội cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bị các đối tượng tội phạm ma túy lôi kéo vào con đường nghiện ngập, thậm chí chủ động tham gia vận chuyển ma túy trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Bên cạnh đó, do mặt trái của cơ chế thị trường, ma túy tiềm ẩn nguy cơ khó lường khi bị các đối tượng tội phạm pha trộn trong thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử và các sản phẩm tiêu dùng khác nhằm thu hút sự tò mò, đánh vào tâm lý muốn thể hiện, muốn khám phá trải nghiệm của giới trẻ. Công tác quản lý các tụ điểm tệ nạn ma túy tại địa bàn chưa nghiêm ngặt cũng tác động không nhỏ đến người dân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý trật tự xã hội.
4. Tác hại của ma túy
Không phải ngẫu nhiên mà ma túy bị gọi là “cái chết trắng”. Việc lạm dụng chất gây nghiện trong thời gian dài không chỉ tàn phá thể chất, tinh thần, nhân cách của cá nhân người sử dụng mà còn hủy hoại cuộc sống của biết bao gia đình, để lại hệ lụy nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Không chỉ làm suy nhược cơ thể, suy giảm chức năng đa tạng, nghiện ma túy còn dẫn đến các hội chứng bệnh về thần kinh, gây suy giảm khả năng học tập, làm việc của người sử dụng.
5. Các biện pháp phòng tránh và ngăn chặn tệ nạn ma túy
Phòng, chống ma túy là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Để phòng tránh ma túy hiệu quả, cần thực hiện các biện pháp sau:
Đối với thanh thiếu niên, học sinh:
– Trang bị kiến thức về tác hại của ma túy.
– Chủ động tránh xa các tụ điểm nghi vấn như quán bar, karaoke, vũ trường thiếu kiểm soát.
– Không nhận, sử dụng các loại thực phẩm, nước uống, thuốc lạ từ người không quen biết.
– Rèn luyện kỹ năng sống, nói “không” với lời rủ rê, lôi kéo từ bạn xấu.
– Tích cực tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa, tình nguyện.
Đối với gia đình:
– Quan tâm, chia sẻ và giáo dục con em ngay từ nhỏ.
– Tạo môi trường sống lành mạnh, yêu thương và kỷ luật.
– Phát hiện sớm dấu hiệu nghi vấn và liên hệ với cơ quan chức năng khi cần thiết.
Đối với cộng đồng và chính quyền địa phương:
– Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy.
– Phát hiện, tố giác các hành vi tàng trữ, sử dụng, buôn bán ma túy.
– Hỗ trợ người nghiện cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng.