Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý đặc thù của nữ giới, bình thường con gái trên dưới 14 tuổi thì bắt đầu có kinh nguyệt và dần dần đi vào quy luật đó là kinh nguyệt sẽ một tháng có một lần, cho đến trên dưới 50 tuổi thì đến thời kỳ mãn kinh. Thời kỳ người phụ nữa mang thai và cho con bú thì hiện tượng kinh nguyệt sẽ tạm dừng. Nhưng cũng có số nhỏ phụ nữ xuất hiện một số hiện tượng khác lạ của kinh nguyệt như:
– Tính nguyệt: Cơ thể không có bệnh, nhưng kinh nguyệt trên dưới hai tháng mới có một lần.
– Cư kinh: Cơ thể khỏe mạnh, nhưng kinh nguyệt trên dưới ba tháng mới có một lần.
– Tị niên: Cơ thể khỏe mạnh, không có bệnh nhưng trên dưới một năm mới có một lần.
– Ám kinh: cả đời không thấy có kinh nguyệt, nhưng vẫn có thể thụ thai và sinh con.
– Kích kinh: Sau khi có thai, vẫn thấy có kinh nguyệt nhưng không có ảnh hưởng gì xấu đối với thai nhi, hiện tượng này gọi là “thịnh thai”.
– Đảo kinh: Trước mỗi kỳ kinh nguyệt một đến hai ngày hoặc đang kỳ hành kinh hoặc sau khi kinh nguyệt đã sạch thì xuất hiện hiện tượng mang tính quy luật là chảy máu chân răng, chảy máu cam, hiện tượng này gọi là “nghịch kinh”.
– Thác kinh: Trước kỳ kinh nguyệt một đến hai ngày thấy xuất hiện đại tiện ra máu hoặc tiểu tiện ra máu.
Trong các hiện tượng trên thì tính nguyệt, cư kinh, tị niên, ám kinh, kích kinh là hiện tượng sinh lý đặc thù của cơ thể, không thuộc phạm trù bệnh tật; Còn hai loại đảo kinh và thác kinh là biểu hiện của các hiện tượng bệnh lý.
Đảo kinh nguyên nhân chủ yếu là do can kinh uất hóa hỏa hoặc phế thận âm suy dẫn đến huyết nhiệt khí nghịch, kinh huyết vọng hành.
Thác kinh thường do kinh huyết đi sai đường vào đại tràng, tiểu tràng – tràng trung tích nhiệt, bức huyết vọng hành
Cả đảo kinh và thác kinh luôn luôn dẫn đến hiện tượng khi có kinh thì lượng kinh ít hoặc bế kinh.
- Biện chứng luận trị
- Đảo kinh
1.1 Can kinh uất nhiệt
- Triệu chứng: Kinh nguyệt thường đến trước kỳ, lượng kinh ít hoặc bế kinh. Chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng lượng nhiều, màu đỏ tươi. Kèm theo tâm phiền dễ cáu gắt, ngực sườn đầy tức, miệng khô đắng, đầu váng tai ù, đại tiện táo, tiểu tiện vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền.
- Phép điều trị: Thanh tiết can hỏa, bình giáng xung nghịch, dẫn huyết hạ hành.
- Huyệt: Thái xung, hành gian, chi câu, hợp cốc, nghinh hương, cách du.
- Cách châm: Châm trước ngày hành kinh ba đến năm ngày, dùng phép châm tả, ngày châm một lần, chỉ châm không cứu.
1.2 Phế thận âm hư
- Triệu chứng: Kinh nguyệt không định kỳ, lượng kinh ít, chảy máu cam, chảy máu chân răng lượng ít, màu không tươi. Kèm theo đau đầu, triều nhiệt, ngũ tâm phiền nhiệt, hầu khô miệng khát, lưỡi đỏ không rêu, mạch tế vô lực.
- Phép điều trị: Ích thận nhuận phế, dưỡng âm chỉ huyết, dẫn huyết hạ hành
- Huyệt: Thái uyên, ngư tế, hợp cốc, nghinh hương, thái khê, cách du.
- Cách châm: Châm trước kỳ kinh ba đến năm ngày, dùng phép châm bình bổ bình tả, ngày châm một lần, chỉ châm không cứu.
Trong điều trị đảo kinh dựa trên nguyên tắc “nhiệt thì thanh” “nghịch thì bình” lấy thanh nhiệt giáng nghịch, dẫn huyết hạ hành làm phép điều trị chính.
- Thác kinh
2.1 Trước ngày hành kinh đại tiện ra máu
- Triệu chứng: Trước kỳ kinh đại tiện ra máu hồng sẫm, kinh nguyệt lượng ít sẫm màu. Mặt đỏ, môi khô, miệng đắng họng khô khát, thích ăn uống đồ mát, tâm phiền, tiểu tiện vàng, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.
- Phép điều trị: Thanh nhiệt nhuận táo, lương huyết chỉ huyết.
- Huyệt: Khúc trì, nhị gian, nội đình, thượng cự hư, thừa sơn, liệt khuyết, khổng tối, cách du.
- Cách châm: châm trước kỳ kinh ba đến năm ngày, ngày châm một lần, dùng phép châm tả, chỉ châm không cứu
2.2 Trước ngày kinh tiểu tiện ra máu
- Triệu chứng: Trước ngày kinh tiểu tiện ra máu màu hồng sẫm, niệu đạo cảm giác rát bỏng đau, kinh nguyệt lượng ít, miệng lưỡi khô táo, thích ăn uống đồ mát lạnh, đại tiện táo, chất lưỡi hồng, rêu vàng, mạch sác có lực.
- Phép điều trị: Lợi niệu thanh nhiệt, lương huyết chỉ huyết
- Huyệt: Quan nguyên, tam âm giao, hạ cự hư, huyết hải, âm lăng tuyền, cách du.
- Cách châm: Châm trước kỳ kinh ba đến năm ngày, ngày châm một lần, dùng phép châm tả, chỉ châm không cứu.
Trong điều trị thác kinh, bất luận là trước kỳ kinh đại tiện ra máu hay tiểu tiện ra máu, thầy thuốc chủ yếu căn cứ vào nguyên tắc “thanh nhiệt lương huyết” ngoài ra bệnh nhân cũng cần chú ý không uống rượu bia, không ăn đồ cay nóng.
ThS.BS. Đào Hữu Minh – Trưởng khoa Khám bệnh