Bệnh trứng cá là tình trạng viêm của hệ thống nang lông tuyến bã. Tổn thương của bệnh trứng cá rất đa dạng, song xuất phát điểm bao giờ cũng là một tổn thương ở tuyến bã và cuối cùng dẫn đến hiện tượng viêm nang lông có mủ.
![]() |
![]() |
Hình ảnh bệnh nhân trước và sau điều trị
![]() |
![]() |
Một trong số các bước thực hiện điều trị mụn trứng cá
Bệnh Trứng cá thông thường (Acne Vulgaris).
Bệnh trứng cá là tình trạng viêm của hệ thống nang lông tuyến bã. Tổn thương của bệnh trứng cá rất đa dạng, song xuất phát điểm bao giờ cũng là một tổn thương ở tuyến bã và cuối cùng dẫn đến hiện tượng viêm nang lông có mủ.
Bệnh trứng cá đặc trưng bởi những nhân mụn với biểu hiện lâm sàng rất đa dạng như mụn đầu trắng, mụn đầu đen, sẩn đỏ, sẩn mụn mủ, mụn mủ, cục, nang, tùy thuộc vào tác động của các yếu tố như tăng tiết bã nhờn, dày sừng cổ tuyến bã, phản ứng viêm, rối loạn thành phần chất bã và hoạt động của vi khuẩn mà biểu hiện khác nhau.
Những yếu tố như khí hậu, stress, thức khuya, thuốc bôi tại chỗ, và thói quen ăn nhiều chất béo, chất cay, nóng mà làm khởi phát bệnh hoặc làm bệnh nặng hơn.
Căn nguyên cơ bản chưa được biết chính xác, tuy nhiên bệnh sinh của trứng cá đã được xác định liên quan đến 4 yếu tố:
+ Tăng tiết chất bã nhờn
+ Sừng hóa cổ nang lông tuyến bã
+ Vai trò của vi khuẩn P.acnes và các yếu tố gây viêm.
+ Viêm và phản ứng của hệ miễn dịch
Điều trị bệnh trứng cá thông thường
Để điều trị trứng cá, cần phải đồng thời tấn công vào 4 mục tiêu:
+ Giảm tiết chất bã, giảm ứ đọng chất bã
+ Giảm sừng hóa
+ Chống viêm
+ Diệt khuẩn.
Bệnh trứng cá theo Y học cổ truyền
Căn sinh bệnh sinh:
Theo YHCT thì tạng Phế chủ bì mao có công năng tuyên phát bài xuất độc tà ra ngoài bằng đường Phế vệ. Phế kinh phong nhiệt là nguyên nhân chủ yếu gây ra mụn trứng cá. Khi phong nhiệt kết tụ ở Phế được đưa đến bì phu mà không được bài xuất ra ngoài, lưu trú lâu ngày hình thành những mụn nhân là chứng phong nhiệt, nếu có viêm nhiễm nóng đỏ là thấp nhiệt, có mủ là có đàm, nang cục là uất kết và huyết ứ.
Tạng Tỳ có công năng vận hóa thức ăn và trừ thấp nhiệt. Do ăn uống nhiều dầu mỡ, cay nóng quá nhiều sinh thấp nhiệt, nhiệt theo đó bốc lên tới mặt, lưng, ngực, cơ da mà thành bệnh hoặc Tỳ mất kiện vận , thủy thấp đình lại, lâu ngày thì hóa đàm thấp, uất hóa nhiệt, thấp nhiệt hiệp đàm ứ lại ở da mà sinh bệnh.
Ngoài ra Phế và Đại trường biểu lý với nhau, Phế nhiệt làm cho Đại trường cũng nhiệt theo. Táo bón lại làm cho tà không có đường thoát ra ngoài, nhiệt tà uất tích bên trong lại làm tăng Phế nhiệt, bệnh do đó mà dai dẳng khó dứt.
Bệnh lâu nhiệt tà thiêu đốt huyết dịch, huyết bị tắc nghẽn hình thành huyết ứ. Thấp tà u uất lâu hóa nhiệt, hóa đàm. Đàm với huyết ứ kết lại với nhau làm tổn thương da mặt ngày càng nhiều, càng nặng.
Như vậy Bệnh trứng cá theo YHCT có liên quan đến yếu tố nhiệt, thấp và công năng của các tạng Phế, Tỳ, Đại trường.
Điều trị Bệnh trứng cá tại khoa Da liễu Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Ương.
Điều trị tại chỗ:
Sau khi vệ sinh da mặt theo quy trình bệnh nhân có thể sử dụng các phương pháp sau để điều trị:
Thuốc bôi: Tam hoàng ích nhan, kem lô hội…
Rửa mặt bằng nước sắc Kim ngân hoa, Cúc hoa…
Xông mặt thảo dược: Bạc hà, Húng chanh, Kinh giới, Tía tô…
Điều trị toàn thân:
Bệnh trứng cá trong theo Y học cổ truyền được chia làm các thể khác nhau và có cá bài thuốc điều trị cho từng thể.
– Thể Phế kinh phong nhiệt
Đa số mụn nhân không viêm, đôi khi có sẩn đỏ chưa có mủ, có thể kèm theo ngứa, đau; lưỡi đỏ, rêu vàng mỏng, mạch phù sác.
Pháp điều trị: Thanh nhiệt tả hỏa, giải độc táo thấp.
Bài thuốc: Tỳ bà thanh phế ẩm gia giảm
– Thể Trường vị thấp nhiệt
Chủ yếu là tổn thương viêm, sưng, nề, đau (sẩn đỏ, mụn mủ), miệng hôi, đại tiện táo, tiểu vàng, lưỡi đỏ, rêu vàng nhớt, mạch hoạt sác, bì phu trơn nhày.
Pháp điều trị: Thanh nhiệt, hoá thấp, thông phủ.
Bài thuốc: Nhân trần cao thang gia giảm.
– Thể Tỳ Hư
Do bệnh kéo dài, sắc da xạm, kém tươi nhuận, bệnh, tái phát nhiều lần và kéo dài, có cục hoặc bọc mủ. người mệt mỏi , chán ăn, lưỡi bệu, rêu trắng, mạch nhu hoạt.
Pháp điều trị: Kiện tỳ , hóa thấp..
Bài thuốc: Sâm linh bạch truật tán gia giảm.
– Thể Huyết ứ đàm ngưng
Tổn thương chủ yếu là tổn thương viêm sâu (cục, nang) kèm theo có thể có mụn sẩn, mụn mủ, sẹo…lưỡi đỏ sẫm có điểm ứ huyết (tím), rêu vàng mỏng, mạch hoạt.
Pháp điều trị: hoạt huyết hoá ứ, hoá đàm tán kết.
Bài thuốc: Tứ vật đào hồng thang kết hợp Nhị trần thang gia giảm
Những lời khuyên cho bệnh nhân bị bệnh trứng cá :
Nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau và hoa quả tươi
Nên để bề mặt da thông thoáng, thường xuyên vệ sinh da mặt bằng nước sạch.
Tránh dùng lạm dụng các chất tẩy rửa, tẩy trang và hóa mỹ phẩm.
Không ăn nhiều đồ béo ngọt, chua cay và đồ uống có gas.
Nghỉ ngơi sinh hoạt điều độ tránh thức quá khuya.
Khoa Da liễu:
Tầng 7- nhà số 5- Bệnh viện YHCT Trung Ương- 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà nội .
ĐT liên hệ : 024.39447962 – 0914192121-0906234626
8 h-16 h Thứ 2.3.4.5.6 hàng tuần ( Nghỉ các ngày lễ và thứ 7, CN)
BSCK2 Đỗ Thị Minh Nghĩa – Trưởng khoa Da liễu