Hội chứng đốt sống cổ là bệnh rất thường gặp trên thực hành lâm sàng. Là 1 nhóm các triệu chứng liên quan đến các bệnh lý của đốt sống cổ (thoái hóa,phình lồi,thoát vị đĩa đệm…) không liên quan tới bệnh lý viêm. Bệnh gặp nhiều ở lứa tuổi trung niên trở lên,những người làm công việc phải ngồi cúi nhiều, ngồi lâu, mang vác nhiều trên vùng cổ gáy vai. Các triệu chứng lâm sàng thường gặp là: Đau vùng cổ gáy, có khi đau lên đầu, ù tai, đau lan ra vùng vai, bả vai, đôi khi đau lan xuống tay và tê tay…Lâm sàng thường chia thành 5 thể tùy theo các triệu chứng của bệnh: Thể thần kinh, thể tủy sống, thể giao cảm, thể động mạch đốt sống thân nền, thể hỗn hợp.
Bệnh thuộc phạm vi chứng Tý của Y học cổ truyền (YHCT) và được mang các bệnh danh: Lạc chẩm thống, Kiên thống, Kiên bối thống…Bệnh mang tính chất Bản hư Tiêu thực – Bản hư là Thận hư, Tiêu thực là bệnh tại cân cốt vùng cổ gáy – Về Kinh mạch thì bệnh có liên quan chủ yếu với mạch Đốc, kinh Thận và kinh Bàng quang. Để điều trị YHCT có thể dùng các phương pháp: Dùng thuốc (uống, bôi, xoa, đắp…) và không dùng thuốc (châm, cứu, giác hơi, xoa bóp…).Khi dùng phương pháp châm cứu để điều trị chứng bệnh này chúng ta có thể dùng cách lấy huyệt tại chỗ, lấy huyệt lân cận, lấy huyệt ở xa.. để tạo thành công thức huyệt. Trong các huyệt ở xa thì Hậu khê (SI3) và Thái khê (KI3) được các thày thuốc trọng dụng.
1.Hậu khê: “Linh khu.kinh cân thiên 13” viết “Thủ thái dương chi cân xuất phát từ góc trong gốc móng út…chạy theo cạnh sau trong cẳng tay gắn vào bờ trong khớp khủy,đến nếp nách,đến mặt sau vai…đến cổ gáy…phân 1 nhánh vào trong vai…Khi phát bệnh thì thấy đau ngón út lan ra đến phía sau xương lồi nhọn phái trong khủy tay đau, đau dần lên phía trong cánh tay…nhập vào dưới nách, dưới nách đau…vòng sau bả vai lên làm cổ gáy đau,tai ù,đau đầu…cổ gáy đau cứng”. Đường đi và chứng hậu của Thủ thái dương kinh mạch như mô tả ở trên cho thấy phù hợp với thể Thần kinh của hội chứng đốt sống cổ, với các triệu chứng: Cổ gáy cứng đau, vai bả vai đau, có thể đau tê lan xuống tay: do vậy chọn huyệt trên kinh thủ thái dương điều trị là phù hợp.
Hậu khê là huyệt du của kinh thủ thái dương mà “Huỳnh Du trị ngoại kinh” “Du trị thể trọng tiết thống”; Hậu khê thông Đốc mạch, nó là huyệt giao hội với Đốc mạch và bát mạch, do vậy chọn Hậu khê để điều trị hội chứng đốt sống cổ là hợp lý. Trên lâm sàng khi điều trị các thầy thuốc thường dùng kim hào châm dài 1 thốn châm Hậu khê rồi vê kim đồng thời bảo người bệnh từ từ vận động cổ sang 2 bên từ đó sẽ có tác dụng giảm đau và cải thiện vận động cổ gáy.
2.Thái khê: Trong “Linh khu.kinh cân thiên 13” viết “Túc thiếu âm chi cân…, thượng chí vu đỉnh, kết với xương chẩm, cùng hợp với kinh cân túc thái dương…Khi phát bệnh…gây đau vùng kinh cân nó đi qua”. Từ đó cho thấy bệnh lý đốt sống cổ ngoài việc chọn huyệt trên kinh thiếu âm thận ra vì thận chủ cốt tủy thì còn liên quan đến việc kinh cân thiếu âm thận đi qua vùng cổ gáy,mà theo lý luận “kinh mạch đi qua vùng nào sẽ có tác dụng điều trị bệnh của vùng nó đi qua”. Thái khê là huyệt nguyên của kinh túc thiếu âm thận, là huyệt trọng yếu trong việc điều trị bổ thận âm, dưỡng cân cốt, đồng thời có tác dụng ôn thận dương nhuận cân cốt; với bệnh lý của hội chứng đốt sống cổ chủ yếu là do thoái hóa, phình lồi hoặc thoát vị đĩa đệm cột sống cổ…thì chọn huyệt Thái khê trong điều trị là rất phù hợp với tiêu chí “Tiêu bản kiêm trị”.
ThS.BS. Đào Hữu Minh – Trưởng khoa Khám bệnh