Sự liên quan giữa béo phì và một số chứng bệnh theo Y học Cổ truyền (YHCT) – đối chiếu với Y học Hiện đại (YHHĐ)

  1. Béo phì với chứng huyễn vựng (Tăng huyết áp)

Sự liên quan giữa béo phì với chứng huyễn vựng đã được ghi chép tương đối cụ thể trong các y văn của YHCT. Trong “cổ kim y thống huyễn vựng nghi thẩm tam hư” có viết: Người béo mà có hoa mắt chóng mặt, là do khí hư có đàm (phì nhân huyễn vựng, khí hư hữu đàm).

Nội kinh viết “chư phong điệu huyễn, giai thuộc can mộc… tuế mộc thái quá, phong khí lưu hành… thậm tắc hốt hốt thiên nộ, huyễn mạo điên tật, tuy vi khí hóa chi khí sử nhiên, vi tất bất do khí thể chi hư suy nhĩ, kỳ vi khí hư phì bạch nhân, thấp đàm trệ vu thượng, âm hỏa khởi vu hạ, thi dĩ đàm hiệp hư hỏa, thượng xung đầu mục, chính khí bất túc năng thắng cố, cố hốt hốt nhãn hắc sinh hóa nhược tác thuyền xa nhi huyễn vựng dã, thậm nhi chí vu thốt đảo vô tri giã hữu chi” (Mọi thứ phong đều có thể làm cho người ta hoa mắt, chóng mặt ngã nhào, đều thuộc can mộc. Mộc mà thái quá, phong khí lưu hành… thì sẽ biến thành giận dữ, điên chóng mặt, tuy khí hóa của khí dùng như thế, xong chưa hẳn đã là không do khí của cơ thể hư suy. Đó là vì ở người béo phì khí hư thì đàm thấp trệ trên, âm hỏa ở dưới đưa lên, làm cho đàm hợp với hư hỏa, thượng xung đầu mắt, chính khí không thắng dần dần làm cho đầu mắt tối sầm, hoa mắt chóng mặt, như khi đi thuyền xe bị hoa mắt chóng mặt vậy, thậm trí làm cho ngã nhào bất tỉnh không biết gì)

Đối chiếu với YHHĐ các nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối liên quan giữa béo phì và tăng huyết áp. Đặc biệt béo bụng là một yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp cũng như các bệnh tim mạch khác; nó tăng rõ rệt khi mà tỷ lệ vòng bụng/vòng mông lớn hơn 0,9 ở nam giới và lớn hơn 0,8 ở nữ giới.

Các nghiên cứu cũng cho thấy những người có chỉ số BMI > 24 trong vòng 4 năm thì tần suất mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn gấp 3 lần những người có chỉ số BMI <24

Khi tỷ lệ mỡ cơ thể (F%) tăng 10% thì huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương tăng bình quân lần lượt là 6mmhg và 4mmhg.

Các nghiên cứu cũng cho biết ở độ tuổi 20-30, thì tỷ lệ phát sinh tăng huyết áp ở ngừoi béo phì so với người không béo phì là khoảng 10%; nhưng đến tuổi 40-64 thì tỷ lệ đó tăng lên đến 50%.

  1. Béo phì với chứng tiêu khát (Đái tháo đường)

Về sự liên quan giữa béo phì với chứng tiêu khát; trong “tố vấn kỳ bệnh luận” đã ghi: Bệnh tỳ đan, do ăn nhiều chất ngọt béo, mà người ăn nhiều chất ngọt béo thì thường béo.

Chất béo làm người nóng bên trong, chất ngọt làm trung tiêu đầy, khí đầy tràn lên trên, chuyển thành tiêu khát (bệnh danh viết tỳ đan, thử phì mỹ chi sở phát giã, thử nhân tất số thực cam mỹ nhi đa phì dã, phì giả lệnh nhân nội nhiệt, cam giả lệnh nhân trung mãn, cố kỳ khí thượng dâm, chuyển vi tiêu khát). Qua đây có thể thấy mối quan hệ mật thiết giữ béo phì và tiêu khát; đó là do ăn nhiều đồ béo ngọt sẽ làm đầy trung tiêu (tỳ vị) tạo thành hỏa nhiệt, uất nhiệt sẽ làm phần âm của các tạng phủ như: Phế, vị, thận, bị hao tổn. Hỏa làm phế âm hư gây chứng khát. Vị nhiệt gây chóng đói ăn nhiều. Thận âm hư nội nhiệt không tàng trữ được tinh hoa của ngũ cốc gây tiểu tiện nhiều.

Liên hệ với YHHĐ, béo phì phát sinh có liên quan mật thiết với việc cơ thể phải tiếp nhận đồ ăn, thức uống có nhiệt lượng cao, đồng thời cũng thúc đẩy sự tăng sức đề kháng với nội tiết của tuyến tụy (hiện tượng kháng insulin), kích thích tuyến tụy tăng tiết insulin. Hiện tượng này diễn ra nhiều ngày làm cho tế bào beta của tuyến tụy tăng sinh phì đại từ đó dẫn đến chứng tăng insulin máu. Do sự kích thích quá dài ngày lại làm cho chức năng của tế bào beta dần dần suy giảm tạo thành hiện tượng tuyến tụy tiết insulin không đủ và từ đó phát sinh đái tháo đường tuyp 2.

Từ các phân tích so sánh đối chiếu trên chúng ta có thể thấy có sự tương đồng nhất định giữa YHCT với YHHĐ về sự liên quan giữa béo phì và một số chứng bệnh.

ThS.BS. Đào Hữu Minh – Trưởng khoa Khám bệnh