Bệnh Gút (Gout) thường gây ra những cơn đau đột ngột và có thể khiến người bệnh đột quỵ hoặc để lại những di chứng sức khỏe nghiêm trọng khác. Nguyên nhân chính gây nên bệnh là do hàm lượng axit uric trong máu tăng đột biến. Từ đó sản sinh ra các tinh thể tại khớp chân, tay khiến các khớp này bị sưng, đau.
Dự phòng bệnh Gút (Gout) là hoạt động đặc biệt quan trọng, trong đó chế độ dinh dưỡng được xác định là một trong những yếu tố then chốt của chiến lược điều trị bệnh bên cạnh việc dùng thuốc.
Ths.Bs Đặng Thị Xuân Hồng đã có buổi tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho các bệnh nhân mắc bệnh gout và phòng tránh bệnh gout tại khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương.
1. Nguyên tắc chung
Nhu cầu năng lượng hàng ngày: 30-35kcal / kg cân nặng/ ngày
Nhu cầu đạm: 0.8g / kg cân nặng/ ngày
Nhu cầu chất béo: 18-25% nhu cầu năng lượng
Lượng muối: không quá 5g/ngày
Lượng nước: 40ml/kg cân nặng/ngày
Luyện tập thể dục thường xuyên, phù hợp
2. Thực phẩm trong chế độ ăn của người bệnh gút
* Các loại thức ăn nên hạn chế:
– Thịt màu đỏ: thịt bò, dê, chó…
– Phủ tạng động vật: lòng lợn, bầu dục, gan, óc, tim
– Các loại hải sản: sò huyết, mực, tôm, cua
– Các loại mỡ nói chung
– Các loại đồ uống có tính kích thích như: chè đặc, cà phê, rượu bia
* Các loại thức ăn nên sử dụng:
– Các loại rau quả như: rau cần, súp lơ, dưa chuột, cải xanh, cải bắp, cà, củ cải.
– Thức ăn thuộc họ đậu, lạc
* Người bệnh gút cần đảm bảo lượng nước uống trong ngày là 40ml/ kg cân nặng vì bài tiết nước tiểu càng tăng, acid uric lọc qua thận càng tốt.
Một chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý, nghỉ ngơi, luyện tập điều độ sẽ rất có lợi cho việc phục hồi sức khỏe cho người bệnh gút.
Ths.Bs Đặng Thị Xuân Hồng – Khoa xương khớp tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân