Điều trị rối loạn cương dương bằng phương pháp y học cổ truyền

Trong y học cổ truyền rối loạn cương dương được gọi là Dương nuy – để chỉ tình trạng bệnh lý ở nam giới khi giao hợp dương vật không cương cứng hoặc có cương nhưng không đủ cứng do đó ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục bình thường ở nam giới tuổi trưởng thành.

  1. Nguyên nhân

Thanh thiếu niên thủ dâm nhiều, kết hôn sớm, phòng dục quá độ, … làm tiêu hao tinh khí từ đó dẫn đến thận khí bị tổn thương.

Sau khi bị bệnh không được chăm sóc và nuôi dưỡng đầy đủ, mắc bệnh mạn tính kéo dài … những nguyên nhân này làm cho chân dương suy yếu.

  1. Cơ chế bệnh sinh

– Rối loạn về tình chí, do suy nghĩ lo lắng quá độ ảnh hưởng tới tỳ.

– Căng thẳng tinh thần ảnh hưởng đến tâm

– Uất giận ảnh hưởng đến can

– Kinh khủng sợ hãi ảnh hưởng đến thận.

Tỳ là nguồn sinh hóa tạo thành khí huyết, thì hư tất khí huyết sẽ suy giảm nên nuôi dưỡng cân (tông cân – dương vật) bị ảnh hưởng. Tâm chủ hết mạch và tàng thần nên tâm huyết hư làm huyết không vận hành được bình thường, thần không chủ được sự hợp đồng của các tạng phủ làm cân mạch không được nuôi dưỡng đầy đủ và điều hòa. Can chủ cân can khí uất kết làm mất chức năng sơ tiết và điều đạt nên ảnh hưởng đến sự vận động của cân mạch. Sự sợ hãi, kinh khủng sẽ làm khí loạn, thận khí sẽ tổn thương làm ảnh hưởng đến sự điều phối cân mạch.

Ngoài tổn thương các tạng phủ còn có nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh khác như ở những người ăn nhiều các chất béo ngọt, uống nhiều rượu… lâu ngày, dẫn đến tích ngưng trong cơ thể làm ảnh hưởng đến tỳ vị, tích thấp sinh nhiệt, thấp nhiệt hạ trú xuống hạ tiêu làm cân mạch bị tổn thương.

  1. Phân loại các thể lâm sàng theo Y học cổ truyền

3.1. Thể mệnh môn hoả suy

  • Triệu chứng: Liệt dương, sợ lạnh, chân tay lạnh, lưng gối đầu mỏi, váng đầu, ù tai, mệt mỏi, đại tiện phân nát lỏng, sắc mặt nhợt, lưỡi nhợt, mạch bộ xích trầm nhược.
  • Phương pháp điều trị: Ôn Thận tráng dương.

Bài thuốc: Hữu Huy Hoàn (cảnh nhạc toàn thư).

Thục địa      16g    ​Đỗ Trọng    12g    ​Hoài sơn     12g​

Thỏ ty         12g    Sơn thù       10g    ​​Phụ tử chế   4-6 g

​Kỷ tử           12g    ​Nhục quế    4g      Đương quy 12g​

Lộc giác ra   12 g

Tất cả làm thang sắc uống ngày một thang chia hai lần. Hoặc bào chế dưới dạng viên hoàn, mỗi ngày uống 20 g chia hai lần.

Bệnh lâu ngày tình trạng tương đối nặng có thể ra thêm: dâm dương hoắc, dương khởi thạch, phỉ lai tử.

3.2. Thể tâm tỳ hư tổn

– Triệu chứng: liệt dương, hay hồi hộp đánh trống ngực, hay quên, ngủ kém, giấc ngủ không sâu hay mê, ăn kém, người mệt mỏi, chóng mặt, sắc mặt vàng nhợt, lưỡi nhờn, rêu lưỡi trắng, mạch tế nhược.

– Pháp điều trị: kiện tỳ dưỡng tâm

Bài thuốc cổ phương: Quy tỳ thang

Đẳng sâm              12g ​   Bạch truật              12g​    Hoàng kỳ    12g​

Phục thần              12g​    Đương quy           12g​    Viễn chí      4g

Táo nhân               12g    ​Nhục quế              8g      ​Sinh khương 3 lát

Bắc mộc hương     4g      Trích cam thảo      4g​      Đại táo        3 quả

Tất cả sắc uống ngày một tháng chia hai lần.

Trên lâm sàng có biểu hiện thận dương hư gia thêm: Bổ cốt chỉ, Dâm dương hoắc, Thỏ ty tử. Nếu có biểu hiện huyết hư gia thêm: Hà thủ ô, Cao quy bản.

3.3. Thể can khí uất kết

– Triệu chứng: liệt dương, tính tình dễ câu giận, đầy tức nặng vùng mạng sườn, ăn ít, lưỡi đỏ nhợt, mạch huyền tế

– Pháp điều trị: sơ can giải uất

Bài thuốc cổ phương: Tiêu dao tán (thương hàn luận)

Sài hồ         12g ​   Bạch truật    12g​    Bạch thược 12g

Đương quy 12g ​   Cam thảo    4g​      Phục linh    12g

Bào khương 4g     ​Bạc hà         8g

Dùng dưới dạng thang sắc mỗi ngày uống một thang chia hai lần, hoặc dùng dưới dạng tán bột mỗi ngày uống 20 g chia hai lần.

Trên lâm sàng nếu kèm theo triệu chứng thận dương hư gia thêm: thỏ ty tử, kỷ tử, ba kích.

3.4. Thể kinh nô thương thận

– Triệu chứng: Lo lắng, sợ hãi quá mức mà bị liệt dương. Tâm phiền, dễ sợ, đêm ngủ không yên, trong giấc ngủ mê sảng. Chất lưỡi đỏ nhợt, mạch huyền.

– Pháp điều trị: Bổ thận, an thần.

Bài thuốc cổ phương: Đại uất thang kết hợp với Tuyên chí thang gia giảm ​

Thỏ ty tử               16g​    Viễn chí      6g​      Ba kích       16g

​Toan táo nhân       12g​    Bạch thược 12g​     Bạch truật    12g ​

Nhân sâm             12g​    Thăng ma    8g​      Sài hồ         10g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Thận hư, khí tổn gia thêm: Bổ cốt chỉ, Kỷ tử, Dâm dương hoắc…

3.5. Thể thấp nhiệt hạ trú

– Triệu chứng: Liệt dương, cơ thể mệt mỏi, đi tiểu ít, khó, đau, nước tiểu đỏ. Tinh hoàn có thể sưng đau, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác.

Bài thuốc cổ phương: Long đởm tả can thang (Y tông kim giám) ​

Long đởm thảo     6-8g​            Hoàng cầm 8-16g​          Chi tử        8-16g ​

Sài hồ                   4-12g​          Mộc thông 8-12g          ​Cam thảo   4-6g ​

Đương quy           8-16g​          Sinh địa      12-20g​        Trạch tả     8-16g ​

Sa tiền tử              12-20g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Đi tiểu có cảm giác đau, buốt, rắt gia: Hoàng bá, Trúc diệp, Hoạt thạch.

Khoa Thận Tiết niệu và Nam học – BVYHCTTW tiếp nhận điều trị các bệnh nhân rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, mãn dục nam, vô sinh nam, rối loạn tiểu tiện, bàng quang tăng hoạt,…

Khoa đã sử dụng các bài thuốc Y học cổ truyền kết hợp Y học hiện đại điều trị hiệu quả mang lại cuộc sống sung mãn cho rất nhiều đấng mày râu.

Địa chỉ: Khoa Thận Tiết niệu và Nam học, tầng 6, nhà số 5, Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương, 28 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

ĐTLH: 024 3943 7963 – 0912134254

BSCKII. Nguyễn Thị Tám – Trưởng khoa Thận tiết niệu và nam học