Điều trị béo phì bằng y học cổ truyền

1. Khái niệm

Béo phì là tình trạng các tế bào mỡ tăng về số lượng hoặc phì đại tế bào mỡ, là tình trạng tích lũy thái quá và không bình thường của lipid (chủ yếu là triglycerid) trong các tổ chức mỡ, làm cho trọng lượng cơ thể của người trưởng thành vượt quá 20% trọng lượng tiêu chuẩn dẫn đến nguy cơ cho sức khỏe.

2. Đánh giá béo phì ở người trưởng thành

Có nhiều cách để đánh giá tình trạng béo phì, thường dùng các cách sau:

2.1 Chỉ số khối cơ thể (Body mass index – BMI)

BMI =             cân nặng (kg)

chiều cao2 (m)

Tiêu chuẩn phân lọai béo phì theo BMI

Phân loại BMI (Kg/m2)
Gầy <18,5
Bình thường 18,5 – 24,9
Thừa cân 25,0 – 29,9
Béo phì độ I 30,0 – 34,9
Béo phì độ II 35,0 – 39,9
Béo phì độ III ≥40

Đề nghị thang phân loại béo phì cho người trưởng thành Châu á

Phân loại BMI (Kg/m2)
Gầy <18,5
Bình thường 18,5 – 22,9
Thừa cân 23,0 – 24,9
Béo phì độ I 25,0 – 29,9
Béo phì độ II 30,0 – 34,9
Béo phì độ III 35,0 – 39,9

2.2 Tỷ lệ mỡ cơ thể (Body Fat Percentage % – F%)

Nếu Tỷ lệ F% > 25% ở nam, Tỷ lệ F% > 30% ở nữ thì được coi là điểm ngưỡng của tỷ lệ mỡ cơ thể khi béo phì

  1. Quan điểm của YHCT về béo phì

Hơn 2000 năm về trước, trong các y văn của YHCT đã có ghi nhận về béo phì. “Tố vấn thông bình hư thực luận” có viết (Phàm… phì quý nhân tắc cao lương chi tật dã) tức phàm là quí nhân mà béo phì là người mắc tật ăn nhiều cao lương mĩ vị. Trong “Linh khu ngịch thuận phì sấu” đã có những nhận xét, miêu tả rất cụ thể về biểu hiện nhận dạng của người béo phì – người có thể chất cường tráng, to lớn, khí huyết sung mãn, da dày chắc… là người béo (Quảng kiên dịch hạng, nhục bạc hậu bì nhi hắc sắc, thần lâm nhiên, kỳ huyết hắc dĩ trọc, kỳ khí sắc dĩ trì). Trong “linh khu vệ khí thất thường” căn cứ vào sự nhiều ít của da, cơ nhục, khí huyết đã phân ra 3 loại: Phì (béo) là người có cơ chắc, da dày (nhuận nhục kiên, bì mãn giả, phì), cao (bệu) là người có cơ không chắc, da mềm nhẽo nên bụng sệ, má sệ (nhuận

nhục bất kiên, bì hoãn, cao), nhục (cơ săn chắc) là người da và cơ không tách rời, người da cơ săn chắc có cơ thể to (bì nhục bất tương ly giả, nhục, nhục giả thân thể dung đạm). Những nội dung này chính là cơ sở đầu tiên của YHCT quan niệm về béo phì.

  1. Các phương pháp điều trị béo phì bằng YHCT cũng như YHHĐ, phương pháp điều trị bệnh của YHCT được chia ra làm 2 loại lớn đó là dùng thuốc (thuốc thang sắc uống, thuốc cao đơn hoàn tán…) và không dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp, khí công…). Dựa trên biện chứng luận trị của YHCT béo phì thường có mấy thể sau

4.1 Tỳ hư thấp trở: Béo phì, chân nề, mệt mỏi vô lực, thân thể tay chân nặng nề, ăn kém, bụng đầy, tiểu tiện ít, rêu lưỡi mỏng ướt dính, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế hoặc tế hoạt.

Phép điều trị: Kiện tỳ lợi thấp

Phương dược: Phòng kỷ hoàng kỳ thang hợp linh quế truật cam thang (Phòng kỷ, hoàng kỳ, bạch truật, cam thảo, sinh khương, đại táo, phục linh, quế chi)

Phương huyệt: Âm lăng tuyền, túc tam lý, tam âm giao, trung quản, phong long.

4.2 Vị nhiệt thấp trở (vị trường nhiệt): Béo phì, đầu căng nặng choáng váng, ăn nhiều chóng đói, chân tay nặng, miệng khát thích uống, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng dính hoặc vàng mỏng, mạch hoạt sác.

Phép điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp

Phương dược: Phòng phong thông thánh tán (đương quy, thược dược, xuyên khung, sơn chi, liên kiều, bạc hà, sinh khương, kinh giới, phòng phong, đại hoàng, mang tiêu, bạch truật, cát cánh, hoàng cầm, hoạt thạch, cam thảo.

Phương huyệt: Túc tam lý, khúc trì, thượng cự hư, tam âm giao, nội đình, hợp cốc.

4.3 Can khí uất trệ: Béo phì, ngực sườn đầy tức, bụng đầy trướng, ăn kém, ngủ kém, hay mơ, kinh nguyệt không đều, rêu lưỡi trắng, mạch huyền tế.

Phép điều trị: Sơ can lý khí

Phương dược: Đại sài hồ thang gia giảm (sài hồ, đại hoàng, hoàng cầm, bán hạ, thược dược, chỉ thực, sinh khương, đại táo)

Phương huyệt: Thái xung, kỳ môn, đản trung, chi câu, tam âm giao.

4.4 Tỳ thận dương hư: Béo phì, mệt mỏi vô lực, lưng đau gối mỏi, chân tay lạnh, mềm yếu, người sợ lạnh, bụng đầy trướng, đại tiện phân nát, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế vô lực

Phép điều trị: Ôn thận kiện tỳ

Phương dược: Chân vũ hợp phòng kỷ hoàng kỳ thang gia giảm (phụ tử, phục linh, sinh khương, bạch truật, bạch thược, phòng kỷ, hoàng kỳ, cam thảo)

Phương huyệt: Thận du, mệnh môn, quan nguyên, thái khê, tỳ du, vị du, túc tam lý, tam âm giao

ThS.BS. Đào Hữu Minh – Trưởng khoa Khám bệnh