Chứng Nuy và “Độc thủ Dương Minh”

  1. Khái niệm

Chứng nuy là chỉ một chứng bệnh mà trong đó cân mạch, cơ nhục của cơ thể mềm yếu, khô héo, tê liệt mất vận động; chứng này thường phát sinh ở hai chi dưới. Dương minh nhìn từ góc độ tạng phủ là chỉ đại trường và vị phủ; nhìn từ góc độ kinh mạch là chỉ thủ, túc, dương minh kinh.

Nguyên tắc cơ bản trong điều trị chứng nuy của y học cổ truyền nói chung và trong châm cứu nói riêng là “trị nuy độc thủ dương minh” đã được nói tới trong “Tố vấn nuy luận”. Trong “Linh khu cân kết” cũng dẫn “Nuy tật thủ dương minh”

Y học cổ truyền cho rằng các nguyên nhân tạo thành nuy chứng và ngũ tạng liên quan mật thiết với nhau. Ngoại cảm lục dâm; nội thương thất tình đều có thể dẫn tới nuy chứng. “Tố vẫn nuy luận” viết: “Phế chủ bì mao, tâm chủ huyết mạch, can chủ cân mạch, tỳ chủ cơ nhục, thận chủ cốt tủy; Ngũ tạng do phế nhiệt hiệp tiêu phát nuy chứng”. Tùy thuộc vào sự phát bệnh ở tạng nào trong ngũ tạng mà có “ngũ nuy”. Phế nhiệt hiệp tiêu sinh bì nuy, tâm khí nhiệt sinh mạch nuy, can khí nhiệt sinh cân nuy, tỳ khí nhiệt sinh nhục nuy, thận khí nhiệt sinh cốt nuy.

Bệnh nguyên, bệnh cơ của nuy chứng có liên quan đến ngũ tạng vậy thì tại sao cổ nhân lại nói “trị nuy độc thủ dương minh”? Ở đây “độc thủ dương minh” có hai hàm ý

Một là: Trị nuy tất yếu phải lấy việc vị phủ làm chủ, khi châm cứu tất phải ưu tiên chọn các huyệt trên kinh thủ túc dương minh.

Hai là: Bất luận là bì nuy, cân nuy, nhục nuy… thì ngoài việc tích cực điều trị bệnh ở các tang tương ứng, chọn các du huyệt trên kinh mạch mang tên đó thì nhất thiết còn cần phải chọn các huyệt trên kinh dương minh để điều trị.

  1. Các ứng dựng trong lâm sàng của “Độc thủ dương minh”

Như trên chúng ta đã biết nguyên nhân của nuy chứng có rất nhiều, biểu hiện trên lâm sàng cũng khác nhau, phạm vi bệnh cũng không chỉ giới hạn ở một kinh hoặc một tạng. Do vậy ngoài “Trị nuy độc thủ dương minh” thì trong “Tố vấn nuy luận” cũng nói tới rất cụ thể về phép điều trị đó là “Bổ huỳnh thông du”. Trương Giới Tân nói: Bổ có thể dẫn khí đến, thông có thể hành khí. Trị nuy chứng đương nhiên phải lấy dương minh, nhưng cũng cần phải xem bệnh ở kinh tạng nào để kiêm trị. Ví như cân nuy ngoài lấy dương minh thì nên chọn quyết âm huỳnh du; Mạch nuy ngoài lấy dương minh nên chọn thiếu âm huỳnh du; Nhục nuy, cốt nuy… thì cũng theo lẽ đó mà chọn.

Như vậy rõ ràng là trị nuy mà cứ câu lệ vào “Độc thủ dương minh” thì đó là đã làm trái với quan niệm chỉnh thể và nguyên tắc biện chứng luận trị của YHCT

2.1 Phép độc thủ dương minh:

Nuy chứng thời kỳ đầu bệnh còn ở nông, có thể đơn thuần chọn các huyệt trên kinh dương minh. Trên mặt có thể chọn dùng huyệt: Tứ bạch, địa thương, giáp xa, hạ quan… chi trên có thể chọn dùng: Hợp cốc, khúc trì, thủ tam lý, kiên ngung, tý nhu…chi dưới chọn dùng: Bể quan, phục thỏ, túc tam lý, thượng cự hư, hạ cự hư, phong long, giải khê, nội đình…

Trong phép độc thủ dương minh thường được chia thành các phép sau.

2.1.1. Bổ khí dưỡng huyết, phù chính dương minh: Phép này dùng các huyệt hợp cốc, thủ tam lý, thượng cự hư, hạ cự hư. Dùng phép châm bổ; hoặc châm kết hợp với cứu

2.1.2. Hành khí thanh vị, tiết nhiệt dương minh: Phép này dùng các huyệt hợp cốc, nội đình, phục thỏ, túc tam lý. Dùng phép châm tả; chỉ châm mà không cứu.

2.1.3. Khu phong hoạt huyết, thông dương minh kinh: Dùng các huyệt tứ bạch, địa thương, giáp xa, hạ quan, hợp cốc, khúc trì, kiên ngung, tý nhu, thủ tam lý, bể quan, giải khê. Dùng phép châm bình bổ bình tả; châm nhiều cứu ít.

2.1.4. Kiện tỳ lơi thấp hóa đàm trọc dương minh: Dùng các huyệt địa thương, hợp cốc, thủ tam lý, p

hong long, phục thỏ. Dùng phép châm bình bổ bình tả; châm kết hợp với cứu.

2.2 Phép biểu lý phối hợp

Đối với các trường hợp bệnh ngoại cảm ôn tà, phế nhiệt hiệp tiêu, tỳ mất kiện vận, đàm thấp tắc trở mà dẫn đến nuy chứng thì đồng thời với việc lấy các huyệt trên kinh dương minh chúng ta còn nên chọn dùng các huyệt trên bản kinh và trên kinh có quan hệ biểu lý với kinh bị bệnh để phối hợp điều trị. Ví như phế nhiệt nặng thì lấy các huyệt: Liệt khuyết, xích trạch, ngư tế trên kinh thủ thái âm. Dùng phép châm tả để tiết nhiệt nhuận phế, chỉ dùng phép châm mà không cứu. Hoặc như tỳ hư thấp nặng thì phối hợp các huyệt trên kinh túc thái âm như: Thương khâu, công tôn, huyết hải, âm lăng tuyền, tam âm giao. Dùng phép châm bình bổ bình tả để kiện vận tỳ khí, vận hóa thủy thấp; Dùng cả châm kết hợp với cứu.

 

ThS.BS. Đào Hữu Minh – Trưởng khoa Khám bệnh