Cấy chỉ là gì? Những tác dụng tuyệt vời của cấy chỉ mang lại

  1. Đại cương về phương pháp cấy chỉ

Cấy chỉ còn gọi là chôn chỉ, vùi chỉ, xuyên chỉ, là phương pháp đưa chỉ tự tiêu trong y khoa (chỉ catgut) vào huyệt vị của hệ kinh lạc, mục đích gây kích thích lâu dài qua đó tạo nên tác dụng trị liệu. Cấy chỉ là một phương pháp châm cứu đặc biệt. Cấy chỉ làm tăng sự đồng hóa, tân sinh huyết quản cải thiện tuần hoàn vùng cơ.

  1. Cơ chế tác dụng của phương pháp cấy chỉ

– Cấy chỉ hay châm cứu là một kích thích tạo ra một cung phản xạ mới có tác dụng ức chế hoặc dập tắt cung phản xạ bệnh lý.

– Tại nơi cấy chỉ hay châm cứu  tổn thương sẽ tiết ra các chất trung gian hóa học như histamin, acetylcholin, catecholamine, … bạch cầu tập trung gây phù nề tại chỗ sẽ chèn ép vào các sợi thần kinh cảm giác, gây ra các phản xạ đột trục. Các kích thích này được truyền vào tủy sống, lên não, đến các cơ quan đáp ứng hình thành một cung phản xạ mới… làm thay đổi tính chất của tổn thương, giảm xung huyết, bớt nóng, giảm đau, mềm cơ.

– Sự phân chia tiết đoạn thần kinh và có sự liên quan giữa các tạng phủ đối với các vùng cơ thể do tiết đoạn chi phối:

+ Thần kinh tủy sống có 31 đôi dây, mỗi đôi dây chia ra ngành trước và ngành sau chi phối vận động và cảm giác một vùng gọi là tiết đoạn. Mỗi tiết đoạn thần kinh chi phối cảm giác ở một vùng da nhất định có liên quan đến hoạt động của nội tạng nằm tương ứng. Khi nội tạng có bệnh, cảm giác vùng da cùng tiết đoạn với nó tăng cảm giác đau, thay đổi điện sinh vật.

+ Nếu nội tạng tổn thương, châm cứu vào các vùng da có phản ứng hay trên cùng một tiết đoạn với nội tạng sẽ chữa các bệnh ở nội tạng.

– Vai trò của thể dịch, nội tiết và các chất trung gian thần kinh: Châm cứu đã kích thích cơ thể tiết ra các chất Endorphin là một polypeptide có tác dụng giảm đau rất mạnh.

    – Theo YHCT sự mất cân bằng về âm dương dẫn đến sự phát sinh ra bệnh tật vì vậy cơ chế tác dụng cơ bản của châm cứu là điều hòa âm dương.

Bệnh tật phát sinh ra làm rối loạn hoạt động bình thường của hệ kinh lạc, do vậy tác dụng của châm cứu là điều chỉnh cơ năng hoạt động của hệ kinh lạc.

Khi tạng phủ có bệnh thường có những biểu hiện thay đổi bệnh lý trên các đường kinh mang tên nó hoặc trên các đường kinh có mối quan hệ biểu lý với nó. Người ta sẽ dùng các huyệt trên kinh đó để điều chỉnh công năng của tạng phủ tương ứng.

  1. Chỉ định và chống chỉ định

– Chỉ định:

Các bệnh lý về xương khớp đau các khớp hoặc phần mềm quanh khớp, đau trong các bệnh lý về thần kinh, điều trị các chứng liệt, bệnh cơ năng và triệu chứng của một số bệnh như mất ngủ, nấc, bí tiểu chức năng…

  • Chống chỉ định:

Người bệnh đang sốt cao, sức đề kháng giảm, phụ nữ có thai, bệnh nhân dị ứng với chỉ catgut. Tránh cấy chỉ vào những vùng huyệt có viêm nhiễm hoặc lở loét ngoài da. Tất cả những cơn đau nghi do nguyên nhân ngoại khoa…

Nguyễn Thị Bích Hồng – Trưởng khoa Châm cứu dưỡng sinh